Sự kiện do Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, với sự tham gia của đại diện các hiệp hội ngành nghề lĩnh vực giấy, nhựa, thép…
Theo Dự thảo, Quyết định có 4 điều quy định các vấn đề liên quan đến việc nhập khẩu phế liệu như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành; được ban hành kèm theo phụ lục là Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
Trong bản danh mục này, các loại phế liệu được phân thành 6 nhóm gồm: Phế liệu sắt, thép với 6 loại được phép nhập về để làm nguyên liệu; phế liệu nhựa có 3 loại; phế liệu giấy có 3 loại; phế liệu thủy tinh có 1 loại; phế liệu kim loại màu có 6 loại và phế liệu xỉ hạt lò cao có 1 loại.
Tại hội thảo, đại diện các Hiệp hội Giấy Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam… đã trình bày các bài tham luận liên quan đến tình hình nhập khẩu và nhu cầu sử dụng phế liệu từ nước ngoài trong thời gian qua và những ảnh hưởng từ việc điều chỉnh chính sách quản lý nhập khẩu phế liệu của một số nước.
Đại diện các tổ chức ngành nghề này cũng nêu những khó khăn liên quan đến việc nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất mà các DN thành viên đang gặp phải.
Ông Hoàng Đức Vượng, đại diện Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng, nên định nghĩa lại cho rõ từ ngữ đối với “chất thải”, “phế liệu”, không nên chung chung như hiện nay.
Ông Hoàng Đức Vượng kiến nghị, trong mỗi container nên cho phép khoảng 5% những loại nhựa không thuộc danh mục được phép nhập khẩu, bởi đã là hàng phế liệu thì không thể nào phân loại 100% được và nếu lỡ lẫn vào thì sẽ bị quy là chất thải, khi đó cả container sẽ không được nhập khẩu.
Ngoài ra, do nhân lực của Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương hiện nay là quá ít, cho nên DN khi nhập hàng về mà đăng ký với Sở để tiến hành kiểm nghiệm đều phải chờ đợi rất lâu, khiến hàng nhập về bị kéo dài thời gian thông quan, gây phiền phức và tăng chi phí cho DN.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Phạm Hà – Phó vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải (thuộc Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện tại Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Chính phủ nghị định sửa đổi các nghị định liên quan đến môi trường, nội dung của nghị định sẽ phần nào giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho DN nhập khẩu phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất. Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ báo cáo với Chính phủ dự kiến trong năm 2019 sẽ đưa vào chương trình sửa đổi luật của Quốc hội về bảo vệ môi trường.
Ông Hà cũng đánh giá cao các ý kiến đóng góp, kiến nghị của đại diện các hiệp hội ngành nghề tại hội thảo; đồng thời mong mỏi các DN tiếp tục đồng hành cùng cơ quan chức năng trong việc bảo vệ môi trường, vừa phát triển DN, đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước và bảo vệ sức khỏe người dân./.